Bị giam ở Đông cung Mục Khương

Tháng 5 năm 571 TCN, thời Lỗ Tương công, Thành phu nhân là Tề Khương mất. Trước kia, Mục Khương đã chọn được một cây gỗ tra quý để đóng áo quan và một cây đàn tụng cầm dùng để an táng cho mình sau này. Đến đây Quý tôn Hàng Phủ lấy hết cả làm lễ táng cho Tề Khương. Hành động này của họ Quý bị kinh Xuân Thu chê trách là không có trí thức[10].

Quan đại phu nước Lỗ là Tang Tuyên Thúc lấy vợ nước Chú sinh hai con là Giả và Vĩ. Người vợ chết, Tuyên Thúc lấy vợ kế là con gái người em gái của Mục Khương, sinh ra con là Tang Hột. Tang Hột lớn lên ở trong cung, được Mục Khương yêu quý, cho nên về sau vượt qua hai người anh mà được lập làm trưởng tộc họ Tang[11].

Khi Mục Khương bị trục xuất vào Đông cung, có cho bói một quẻ, ra chữ tùy. Quan Bốc sử đoán rằng theo ý của quẻ thì phu nhân sẽ đi khỏi nơi này (Đông cung). Mục Khương lại suy nghĩ theo kiểu khác, cho rằng từ những việc làm của mình thì ý nghĩa của quẻ sẽ đổi lại và mình đến chết vẫn phải ở Đông cung không ra ngoài được[12]. Ngày Tân Dậu tháng 5 năm 564 TCN, Tuyên phu nhân Mục Khương qua đời ở Đông cung, không rõ bao nhiêu tuổi[4]. Ngày Quý Mùi tháng 8 năm 564 TCN, nước Lỗ làm lễ táng cho tiểu quân Mục Khương.

Lưu Hướng trong Liệt nữ truyện xếp Mục Khương vào hạng những người phụ nữ xấu xa (nghiệt bế)[4].